Hầu hết các hộ gia đình ở nông thôn hiện nay đang sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Với điều kiện kinh tế không cho phép, tự làm hệ thống lọc nước gia đình là một sự lựa chọn hiệu quả.
Theo một cuộc khảo sát, tại nông thôn, 31% sử dụng nước giếng khoan, 31,2% sử dụng giếng khơi, 11% sử dụng nước mưa, sông, suối đang bị ô nhiễm nặng. Ở thành phố, có tới 70% sử dụng nước máy. Đa số nguồn nước này cần phải lọc, loại bỏ vi khuẩn, chất bẩn thì mới có thể sử dụng được. Với những vùng nông thôn, chưa được tiếp cận các công cụ lọc nước hiện đại, việc tự làm hệ thống lọc nước gia đình là điều hết sức cần thiết.
Tại sao cần phải làm sạch nguồn nước
Sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu đối với mỗi con người, mỗi gia đình. Trong đó nguồn nước đóng vai trò quan trọng, nó chiếm tới 70% trọng lượng cơ thể, và chúng ta cần bổ sung tối thiểu 2,5 lít nước mỗi ngày. Vì thế lọc sạch nguồn nước là điều vô cùng quan trọng.
Bằng mắt thường, chúng ta không thể biết được nước nào sạch, nước nào bẩn. Vì vậy, có thể trong nguồn nước sử dụng hằng ngày có thể đang chứa vi khuẩn gây bệnh, các kim loại nặng hay các chất độc như: thủy ngân, chì, kẽm…
Nếu sử dụng lâu dài, nguồn nước này có thể tác động xấu tới sức khỏe của chúng ta và cả gia đình. Ví dụ như:
- Tăng tỷ lệ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đường ruột, thậm chí các bệnh ung thư.
- Ảnh hướng tới da, tóc: tóc xơ, xỉn màu rụng tóc hay khô da, gây mụn..
- Chất bẩn làm biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, làm giảm hàm lượng dinh dưỡng, tăng hàm lượng chất độc
- Ngoài ra còn ảnh hưởng tới một số vấn đề khác như: ố vàng dụng cụ nhà bếp, quần áo…
Nguồn nước nào cần lọc
Giếng khoan hiện nay đang là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các hộ gia đình Việt. Tuy nhiên, nguồn nước này luôn có nguy cơ rất cao chứa các kim loại như: sắt, chì, Asen… vượt quá mức cho phép. Đây là nguyên nhân dẫn đến 80% các bệnh do sử dụng nước sinh hoạt.
Nước nhiễm mặn là nước có hàm lượng lớn muối hòa tan (chủ yếu là NaCl) quá cao. Tình trạng này xuất hiện ở các tỉnh miền Nam đất nước.
Nước nhiễm đá vôi là nước chứa hàm lượng khoáng chất canxi và magie cao, sẽ gây hại cho cơ thể con người. Nguồn nước này chủ yếu có ở vùng núi.
Để đảm bảo cho sức khỏe cho bản thân cũng như cho gia đình, mỗi gia đình nên tự làm hệ thống lọc nước gia đình để làm sạch nguồn nước, tránh các bệnh gây hại.
Hướng dẫn tự làm hệ thống lọc nước gia đình
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Bể lọc nước: Có thể dùng thùng nhựa, thùng inox ( được bán rất nhiều trên thị trường). Hoăc có thể dùng bể xây, kích thước tùy vào lượng nước bạn muốn chứa được trong một thời điểm.
- Giàn phun: Có thể mua hoặc tự làm bằng hệ thống ống dẫn nước nhỏ giọt
- Ống lọc: có thể dùng ống nhựa. Dùng để lọc nước và ngăn vật liệu không bị chảy ra ngoài.
- Van xả cặn: Dùng để thải các chất cặn bã đã lọc ra ngoài bể lọc.
- Sỏi nhỏ: có tác dụng làm thông thoáng, chống cho ống lọc bị tắc.
- Cát thạch anh: có tác dụng lọc các tạp chất, các chất kết tủa không tan trong nước
- Cát mangan: có tác dụng hấp thụ hết mangan có trong nước
- Than hoạt tính: giúp khử màu, mùi và khử độc nguồn nước.
- Vật liệu lọc FILOX: dùng để xử lý sắt, thạch tín…
Các bước lắp đặt
Sau khi đã chuẩn bị đủ các nguyên vật liệu cần thiết thì ta tiến hành lắp đặt hệ thống lọc nước. Sau khi lắp được ống lọc, ta bắt đầu đổ các vật liệu lọc vào bể (thứ tự đổ như hình minh họa). Cuối cùng ta lắp giàn phun và bắt đầu lọc nước.
Ngoài ra, trong quá trình lọc, chúng ta cần chú ý một số lưu ý sau:
- Đảm bảo độ dày của mỗi lớp vật liệu lọc ít nhất là 10cm.
- Tỷ lệ của than hoạt tính: cát sỏi: FILOX là 1:2:2.
- Cần phải xả cặn thường xuyên để tốc độ lọc được đảm bảo.
- Vẫn cần phải đun sôi nước đã lọc để sử dụng.
Nước sạch là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho cơ thể con người khỏe mạnh, cung cấp năng lượng cần thiết cho con người trong hoạt động sống thường ngày. Vì thế, với những vật liệu dễ tìm kiếm đã nêu ở trên cùng với cách làm đã hưỡng dẫn, mỗi người hãy tự làm hệ thống lọc nước cho gia đình, bảo đảm nguồn nước sạch cho sinh hoạt.